Mỗi năm Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình thu gom xử lý 125.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do giá dịch vụ xử lý rác thấp khiến nhà máy không cân đối được thu, chi lỗ hơn 2 tỷ đồng/năm.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình được UBND tỉnh Ninh Bình thành lập năm 2014, trên cơ sở là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải một phần kinh phí hoạt động; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND TP Tam Điệp, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định.
Bãi chôn lấp rác thải khổng lồ của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá). |
Nhà máy có chức năng, nhiệm vụ thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nhà máy xử lý.
Ông Lã Phú Dũng, Giám đốc Nhà máy chất thải rắn Ninh Bình, cho biết bình quân mỗi năm nhà máy thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt của các đơn vị trên địa bàn tỉnh khoảng 125.000 tấn. Trong đó, xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh 12.000 tấn/năm; xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh 113.000 tấn/năm.
Ngoài phân loại xử lý, chôn lấp, hiện Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình còn thực hiện vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn TP Tam Điệp thông qua hợp đồng với Công ty môi trường đô thị thành phố.
Đơn giá xử lý rác thải thấp khiến mỗi năm Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình lỗ hơn 2 tỷ đồng (Ảnh: Thái Bá). |
"Hiện nay nhà máy đang áp dụng đơn giá dịch vụ xử lý là 90.200 đồng/tấn rác. Đơn giá này được áp dụng trên cơ sở tính toán chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, công lao động và lãi suất định mức cho việc xử lý rác theo phương thức chôn lấp đơn giản từ nhiều năm trước.
Hiện nay tỉnh chưa ban hành đơn giá dịch vụ xử lý rác thải trên địa bàn. Tại thời điểm hiện tại giá nguyên, nhiên, vật liệu và công lao động đã tăng lên nhiều so với trước đây. Vì thế đơn giá trên không còn phù hợp, chưa tính chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu xử lý, chôn lấp", ông Dũng cho hay.
Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết thêm, việc đơn giá xử lý rác thấp gây ra nhiều khó khăn cho nhà máy khi không bù đắp được chi phí sản xuất, đặc biệt là xử lý rác bằng phương pháp sản xuất phân vi sinh (xử lý 1 tấn rác hết 400.000 đồng). Vì thế nhà máy không thể tự chủ được chi phí hoạt động.
Bãi rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đang quá tải, sẽ lấp đầy vào cuối năm 2023 (Ảnh: Thái Bá). |
Theo báo cáo dự kiến nguồn thu - chi của nhà máy trong năm 2023, dự kiến thu hơn 14,3 tỷ đồng từ dịch vụ xử lý rác, dịch vụ vận chuyển rác và bán mùn hữu cơ. Số tiền chi là hơn 16,5 tỷ đồng (trong đó chi tiền lương, phụ cấp lương cho nhân viên: 76 người; mua nguyên vật liệu, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản), hụt cân đối hơn 2,2 tỷ đồng.
Trước những khó khăn vướng mắc của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, UBND TP Tam Điệp đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét giao các đơn vị chuyên môn xây dựng và sớm ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế của nhà máy; đảm bảo nhà máy cân đối được thu - chi, giảm thiểu việc xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.
UBND TP Tam Điệp cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình có hình thức hỗ trợ về kinh phí cho nhà máy để đảm bảo hoạt động ổn định. Vì dự kiến năm 2023 nhà máy hụt cân đối hơn 2,2 tỷ đồng.
Nghịch lý mua rác được tiền nhưng vẫn lỗ đang xảy ra tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá). |
"Nhà máy mong muốn UBND tỉnh sớm ban hành đơn giá xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh, trên căn cứ chi phí xử lý phù hợp với từng phương pháp khác nhau (xử lý bằng phương pháp phân loại để sản xuất phân vi sinh, chôn lấp đơn giản hợp vệ sinh) để nhà máy hoạt động ổn định, tự đảm bảo thu chi, trên cơ sở đơn giá mới ban hành", Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình kiến nghị.
Trước đề nghị của UBND TP Tam Điệp về việc sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, mới đây ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Tài chính tỉnh xem xét đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động cho nhà máy này để đảm bảo hoạt động ổn định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Tam Điệp nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương án ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.
@Nguồn:dantri.com.vn
Theo ông Lã Phú Dũng, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, nhà máy đi vào hoạt động năm 2014, lượng rác thải được vận chuyển đến xử lý chỉ khoảng 150 tấn/ngày.
Hiện nay, lượng rác thải đưa đến xử lý tại nhà máy là 380.000 tấn/ngày. Bãi chôn lấp rác thải của nhà máy dự kiến 30 năm mới lấp đầy. Tuy nhiên, lượng lớn rác thải chưa được phân loại đưa đến chôn lấp khiến bãi chứa sẽ bị lấp đầy vào cuối năm 2023.