Manulife trả hơn 1.500 tỉ tiền hủy hợp đồng, mạnh tay cắt thưởng đại lý bảo hiểm

Nửa đầu năm 2023, Manulife chi trả hơn 1.500 tỉ đồng tiền hủy hợp đồng bảo hiểm, cắt giảm hàng loạt chi phí, trong đó giảm mạnh các khoản khen thưởng và hỗ trợ đại lý bảo hiểm.
image_title_here
Nhóm khách hàng tới Công ty bảo hiểm Manulife (Q.7, TP.HCM) để khiếu nại về việc đã bị tư vấn mập mờ, bị "hô biến" tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB thành bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" của Manulife - Ảnh: BÔNG MAI


Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023, với nhiều dữ liệu đáng chú ý.

Manulife chi hơn 1.500 tỉ đồng tiền hủy hợp đồng


Theo đó, đối với mảng cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp mang về hơn 11.090 tỉ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Chia theo từng loại sản phẩm, Manulife ghi nhận doanh thu phí cao nhất ở bảo hiểm liên kết đầu tư, với số tiền hơn 7.360 tỉ đồng, còn lại bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe...

Trong quá trình vận hành, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Riêng chi phí bán hàng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1.200 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp cắt mạnh khoản chi phí khen thưởng và hỗ trợ đại lý bán bảo hiểm, chỉ còn hơn 570 tỉ đồng (-68%). Ngoài ra, chi phí hoa hồng bảo hiểm cũng giảm xuống còn hơn 910 tỉ đồng (-43%).

Đáng chú ý, trong mục chi bồi thường bảo hiểm gốc và trả tiền bảo hiểm, doanh nghiệp đưa ra số tiền hơn 1.500 tỉ đồng cho phần "hủy bỏ hợp đồng", tăng hơn 280% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn nhiều so với các khoản như: bảo tức, quyền lợi tiền mặt và lãi phân bổ cho chủ hợp đồng, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men, bồi thường tử vong, đáo hạn hợp đồng...

Lỗ trăm tỉ do đầu tư cổ phiếu, lãi ngàn tỉ từ trái phiếu


Trong khi thị trường bảo hiểm nhân thọ bị tác động mạnh, có chiều hướng sụt giảm, hoạt động đầu tư của Manulife cũng có phần không thuận lợi.

Tính đến thời điểm giữa năm nay, doanh nghiệp có hơn 9.570 tỉ đồng cho việc đầu tư cổ phiếu. Dù vậy, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng hơn 390 tỉ đồng cho việc đầu tư này, đồng thời ghi nhận mức lỗ tạm 240 tỉ đồng.

Cũng như nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác, Manulife đầu tư khối lượng tiền lớn vào trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp nắm giữ gần 67.560 tỉ đồng trái phiếu, tăng 11% so với đầu năm, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương. Việc đầu tư này giúp doanh nghiệp lãi 1.600 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, lượng tiền đồng và tiền USD do Manulife gửi ở ngân hàng giảm đáng kể so với đầu năm, còn hơn 11.840 tỉ đồng.

Tính chung nửa đầu năm nay, trừ đi các chi phí, Manulife còn lại khoản lãi sau thuế gần 1.950 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp có khối tài sản hơn 111.500 tỉ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm.


Vào đầu năm nay, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải loạt bài điều tra "Ép người dân mua bảo hiểm", phản ánh việc nhiều người bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, bị "hô biến" từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ - điển hình là vụ bảo hiểm "Tâm an đầu tư" của Manulife bán qua Ngân hàng SCB.

Sau đó Manulife đồng ý làm thủ tục hủy hợp đồng và trả lại 100% tiền đã đóng cho hàng loạt người đã khiếu nại, nhưng họ phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối, chấm dứt mọi hành động chống lại công ty.

Dù vậy, nhiều khách hàng khác nộp khiếu nại sau khoảng thời gian trên, cho biết bị công ty bảo hiểm thử thách lòng kiên nhẫn, từ chối liên tục.
@Nguồn:tuoitre.vn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn